ĐIỀU KIỆN KINH DOANH ĐỐI VỚI CƠ SỞ SỬA XE Ô TÔ

Bạn đang băn khoăn, lo lắng khi chuẩn bị triển khai dự án kinh doanh cơ sở sửa chữa xe ô tô mà chưa rõ cần chuẩn bị những thủ tục gì? Điều kiện kinh doanh ra sao? Căn cứ pháp lý ở đâu? Hãy để caron.vn cùng bạn giải đáp những thắc mắc này nhé!

Căn cứ pháp lý

Quyết định 337/2007/QĐ-BKH Về việc ban hành quy định nội dung hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam

Luật số 03/2016/QH14 Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.

Nghị định 116/2017/NĐ-CP Quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Điều kiện hoạt động của cơ sở sửa xe ô tô

Căn cứ theo Luật số 03/2016/QH14 thì Ngành nghề kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô nằm trong nhóm ngành nghề có điều kiện. Điều kiện cụ thể để hoạt động kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô được quy định tại Điều 21 Nghị định 116/2017/NĐ-CP như sau:

Doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật được cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô khi đáp ứng các điều kiện sau:

1. Nhà xưởng được xây dựng trên khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp.

2. Mặt bằng, nhà xưởng đảm bảo phục vụ việc thực hiện bảo hành, bảo dưỡng.

3. Có các khu vực thực hiện các công việc tiếp nhận, bàn giao, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm tra xuất xưởng, có nhà điều hành, kho linh kiện, phụ kiện, khu vực rửa xe đáp ứng được công việc.

4. Có đầy đủ các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ công việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Các trang thiết bị đo lường phục vụ công việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đo lường.

5. Có thiết bị chẩn đoán động cơ, tình trạng kỹ thuật của xe (đối với ô tô có trang bị bộ điều khiển điện tử) phù hợp với các loại xe do cơ sở thực hiện bảo hành, bảo dưỡng. Phần mềm thiết bị chẩn đoán phải tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ.

6. Có đội ngũ nhân lực và hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo chất lượng cho việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Các điều kiện nêu trên của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phải đáp ứng các yêu cầu về mặt bằng, trang thiết bị, dụng cụ, nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng đối với cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô theo các loại ô tô tương ứng tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11794 Tiêu chuẩn cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô và các phương tiện tương tự.

7. Có cam kết về việc hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp linh kiện, phụ kiện phục vụ việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô của:

a) Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước (trong trường hợp cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước); hoặc

b) Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài (trong trường hợp cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cho doanh nghiệp nhập khẩu ô tô).

8. Có đủ nhân lực, phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

9. Đáp ứng đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy.

10. Có đủ các hồ sơ về bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.”

Các giấy tờ cần chuẩn bị để kinh doanh cơ sở sửa xe ô tô

Doanh nghiệp lập hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô để nộp lên Cục Đăng kiểm Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải. Hồ sơ xin cấp bao gồm các giấy tờ sau:

– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô (Mẫu số 12 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP): 01 bản chính;

– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 01 bản sao

– Bản kê khai năng lực cơ sở vật chất của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô (Mẫu số 13 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP): 01 bản chính;

– Tài liệu chứng minh cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại các khoản 1, 5, 7, 8, 9 và 10 Điều 21 Nghị định 116/2017/NĐ-CP: 01 bản sao mỗi loại.

Lưu ý:

Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan kiểm tra có văn bản yêu cầu cơ sở bảo dưỡng bổ sung, hoàn thiện theo đúng quy định.

Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan kiểm tra thông báo thời gian và tiến hành kiểm tra, đánh giá thực tế cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ô tô. Thời hạn kiểm tra không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày thông báo. Ngay sau khi kết thúc kiểm tra, Cơ quan kiểm tra thông báo kết quả kiểm tra cho cơ sở bảo hành, bảo dưỡng biết và có các biện pháp khắc phục các hạng mục chưa đạt yêu cầu (nếu có).

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả thẩm định hồ sơ và kiểm tra thực tế đạt yêu cầu, Cơ quan kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô cho doanh nghiệp.

Kết Luận

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Hi vọng qua bài viết này, các chủ doanh nghiệp tương lai đã nắm bắt được một số vấn đề, hồ sơ và thủ tục cần lưu ý trong quá trình thành lập cơ sở sửa chữa ô tô cũng như điều kiện kinh doanh đối với cơ sở sửa xe ô tô.

Chúc các bạn thành công!

Trân trọng./.

 

Liên Hệ